Để có điểm IELTS cao nói chung, có 2 phần các bạn phải học hỏi và luyện tập, đó là: NĂNG LỰC THẬT và KỸ NĂNG LÀM BÀI. Kỹ năng nào cũng vậy, nhưng năng lực thật là cần thiết nhất ở kỹ năng Listening, vì bạn phải nghe và hiểu ở tốc độ rất nhanh và không thể học tủ được.
Vậy, bàn về kinh nghiệm luyện Listening, Mr. Bách sẽ chia ra thành 2 phần học, hoặc 2 giai đoạn học để nói cho rõ.

Mục lục bài viết
1. Năng lực thật
Để tăng khả năng nghe, chắc các bạn đã nghe qua rất nhiều phương pháp như tắm ngôn ngữ, chép chính tả, xem phim, nghe Ted Talk…
Để có khả năng nghe tốt, các bạn phải có đủ các yếu tố sau:
- Từ vựng – một câu 10 chữ không biết hết 7 chữ thì có nghe câu đó một triệu lần các bạn cũng chả hiểu nó nói gì. Nên làm ơn nhớ rõ, ít từ vựng quá thì phải học từ vựng, phải tra từ, phải nghe đọc song song và ghi chú từ mới trước đã. Khi có vốn từ và phát âm đúng thì nó mới làm nền tảng cho một kỹ năng nghe tốt được.
- Phát âm – Hiển nhiên rồi, nếu một từ bạn học sai phát âm, thì khi người ta phát âm đúng bạn làm sao mà hiểu được. Tầm quan trọng miễn bàn. Chỉ lưu ý các bạn khi học phát âm thì tập trung nhiều hơn vào nguyên âm và phụ âm “L” – Cái này người Việt học sai nhiều lắm. Bảo đảm nhiều bạn ở đây vẫn phát âm “call” là “kon”, “small” là “smon”, “ball” là “bon”
:)) Làm ơn coi lại, không thì đi học giùm nha.
- Ngữ pháp – Tập trung vào 4 thì cơ bản, số ít và số nhiều, mệnh đề quan hệ và dạng phủ định, như vậy là làm bài nghe được 7.0 rồi đó.
- Nghe hiểu nghĩa theo cụm, nghe được số ít số nhiều, nghe được ở tốc độ nói nhanh – Cái này mới gọi là kỹ năng nghe thuần túy nè. Nhưng cái này là luyện sau khi bạn có vốn từ và phát âm tốt rồi. Để luyện, thì đơn giản là nghe nhiều riết quen. Mr. Bách đề nghị nếu bạn không phải thi gấp thì cứ phim có sub mà luyện. Vừa hay vừa học được từ vựng vừa luyện nghe tốc độ cao.
Rồi bây giờ IELTS Power Up nói sơ qua về các phương pháp luyện nghe thường gặp, để các bạn biết ưu nhược điểm của nó mà chọn phương pháp tốt cho mình, hoặc thay đổi các phương pháp khác nhau để tận dụng thời gian hoặc đỡ chán.
- Chép chính tả: vừa nghe vừa viết xuống giấy
Ưu: Luyện nghe kỹ từng âm từng chữ, làm quen được với việc viết tiếng Anh, mấy cái từ mình phát âm sai bây giờ nó lòi ra chành bành trước mặt tha hồ mà sửa. Nói chung phương pháp này giống như khám bệnh của mình, biết mình yếu và sai chỗ nào để học lại cho đúng.
Nhược: Số câu và từng vựng bạn được tiếp xúc sẽ ít. Một bài nghe 5 phút thôi mà bạn chép hoàn chỉnh cộng với sửa lỗi thì mất ít nhất cũng tầm 1 giờ. Lượng từ vựng tiếp xúc khoảng 1 trang A4. Trong khi nếu 1 tiếng xem phim thì cái script nó phải dày như cả cuốn sách, gấp mấy chục lần lượng từ của chép chính tả. Nó cũng rất là tốn năng lượng vì bạn phải vận dụng tất cả sự tập trung và còn phải chép nữa nên rất mệt. Ai đi chép thử đều thấy vậy.
Đề nghị: Kết hợp chép chính tả với các phương pháp luyện nghe khác. Ví dụ mỗi ngày chép 30 phút, xem phim 1 tiếng, nghe thụ động 1 tiếng.
- Tắm ngôn ngữ/nghe thụ động: Nghe thoải mái mọi lúc mọi nơi suốt ngày
Ưu: tiện lợi vì nghe lúc nào cũng được, tận dụng được những thời gian rảnh, vừa nghe vừa làm việc khác. Số từ vựng tiếp xúc nhiều. Ít tốn sự chú ý.
Nhược: Nhiều bạn đẩy cao tính tiện lợi và số lượng (nghe mọi nơi mọi lúc) quá mức so với chất lượng (hiểu). Thành ra nhiều khi cứ mở nghe mà không hiểu gì cả. Cứ như vậy thì khả năng nghe tiếng bộ rất chậm (nếu bạn nghe 1 câu tiếng Campuchia 1000 giờ mà không tra nghĩa bạn cũng chả hiểu nó là gì) Và nghe hoài không lên thì thường nản.
Đề nghị: Cách học hiệu quả cho phương pháp này, là bạn nên đọc và dịch cái script trước, xong rồi mới nghe thụ động. Như vậy thì bạn mới hiểu người ta nói gì và nhớ được từ vựng cũng như tăng khả năng nghe.
- Xem phim, video có sub…
Ưu: Thú vị, cuốn hút, có hình ảnh lẫn phụ đề giúp bạn hiểu rõ nội dung
Nhược: Cuốn hút quá nên nhiều khi tập trung vào diễn biến phim, lười tra từ nên thành ra cày hết 2 tiếng xong cảm thấy mình chưa học được gì
Đề nghị: Tra từ trước rồi hãy bay vào xem là xong!
Đấy là các thứ về việc nâng cao năng lực thật. Nhớ một hiểu là phương pháp nào cũng được, chỉ cần nhớ là phải nghe NHIỀUUU.
Bèo bèo cũng phải 300 giờ nghe (bằng coi hết bộ Friends 3 lần) thì mới từ “không biết gì” lên 6.5 được. (Bản thân Mr. Bách nghe 3-5 giờ tiếng Anh mỗi ngày trong 7 năm qua)
Xem thêm :
2. Kỹ năng làm bài
Giờ qua kỹ năng làm bài. Cái này là một số lưu ý cơ bản nhưng vô cùng quan trọng thôi. Nếu năng lực bạn tốt, nhưng nếu chủ quan không làm những điều này thì có thể bạn sẽ bị tuột điểm so với khả năng của mình.
- Đọc và hiểu hết các câu hỏi của từng phần trước khi bài nói bắt đầu. Bạn không thể vừa nghe vừa đọc câu hỏi. Làm vậy tiếng nói trong đầu bạn và tiếng người nói sẽ chồng lên nhau, làm bạn không hiểu người ta đang nói cái gì đâu. Siêu quan trọng, cực kỳ quan trọng, đọc không kịp đề là chết. Nên hãy nhớ kỹ năng đọc và từ vựng rất quan trọng nhé, không phải bài đọc mới cần đọc đâu.
- Nghe cho hiểu ý tổng quan của người nói. Đừng nghe được cái chữ đó có trong đáp án cái mừng húm đánh vô. Em ơi đừng tin nó lừa đấy! Nghe cho hiểu ý, đừng nghe để tìm chữ. Hiển nhiên điều này chỉ làm được khi năng lực của bạn có thật
- Học cách làm từng dạng đề cụ thể. Cái này Mr. Bách đã có hướng dẫn, sẽ post chia sẻ trong thời gian gần nhất
- Làm đề Cambridge IELTS và tìm hiểu tại sao mình sai để rút kinh nghiệm. Cái này nói chi nữa! Quá rõ rồi.
- Tâm lý thoải mái. Nhiều bạn vô phòng thi sợ quá không tập trung được. Well, cái này chắc phải tập thiền cho tâm bình an :)) Còn không thì tích cực đi thi thử ở IDP. Đi cho quen không khí phòng thi. Hữu ích lắm đấy! Còn không thì liên hệ Mr. Bách thi thử Nghe & Đọc miễn phí
Chốt lại: các bạn cần rèn luyện song hành cả NĂNG LỰC THẬT và KỸ NĂNG LÀM BÀI. Hai cái này song kiếm hợp bích sẽ giúp các bạn “lả lướt” qua bài thi Listening, cũng như gầy dựng cho mình một nền tảng tiếng Anh thật vững chắc.
IELTS Power Up chúc tất cả các bạn thành công!