Mindset can co khi hoc Master
IELTS POWER UP

IELTS POWER UP

CẦN CHUẨN BỊ GÌ NẾU MUỐN HỌC LÊN MASTER (P2)

Home - Lộ trình học IELTS - CẦN CHUẨN BỊ GÌ NẾU MUỐN HỌC LÊN MASTER (P2)

Cần chuẩn bị gì nếu muốn học lên Master (P2)

Trong bài viết trước, Mr. Bách đã đề cập đến lợi & hại của việc học Master. Ở phần 2 này, chúng ta hãy xét đến Mindset cần có để học hiệu quả, cũng như những câu hỏi bạn cần tự hỏi để quyết định xem mình có phù hợp với việc học không nhé

2 – Mindset

Với những cái Lợi & Hại như đã biết, chúng ta cần có những mindset, câu hỏi gì cho bản thân khi muốn học lên cao? Hãy tham khảo các câu hỏi sau và tự suy ngẫm nhé

+ Mình học vì cái gì? Mục tiêu học là để làm gì? Có xài được lâu dài không?

Nếu bạn đang loay hoay không biết làm gì với cuộc đời nên đi học cho đỡ buồn, ba mẹ anh chị bạn bè kêu đi học, mới học xong đại học, chưa có kinh nghiệm làm việc, mới nhảy ngành, hoặc chưa có kế hoạch gì cụ thể/mọi thứ cứ mù mờ mông lung, thì lời khuyên là KHÔNG NÊN học lên Master, vì bạn đang ở trong nhóm “học không biết để làm gì”. Học sẽ vừa mệt mỏi, tỉ lệ nghỉ cao, phí tiền phí thời gian. Nên để thời gian đi làm, đi học nghề, lợi ích hơn nhiều.

Khi chọn học lên cao, bạn phải biết chính xác mình đang cần “đào” cái gì từ chương trình học, mình phải “vắt” giáo viên để giải đáp thắc mắc cháy bỏng trong mình từ trước đến giờ thế nào, mình sẽ đối chiếu kiến thức với kinh nghiệm ra sao, bắt tấm bằng, thậm chí từng môn học phải làm việc cho mình, tạo ra tiền, tạo ra giá trị. Mỗi đồng học phí mình bỏ ra phải tạo giá trị gấp đôi gấp ba cho trình độ bản thân thì mới học.

VD với bản thân Mr. Bách, ngay từ quá trình đăng ký học là đã có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho cộng đồng này. Rồi với mỗi môn học, Mr. lôi hết mọi thắc mắc của 6 năm đi dạy ra để hỏi giáo viên, hỏi bạn học, rồi đọc sách để nghiền ngẫm. Các kiến thức học được, Mr. Bách áp dụng ngay vô thiết kế chương trình học, chia sẻ cho đội ngũ, cập nhật cho lớp đào tạo giáo viên,…

+ Mình đã có kinh nghiệm/yêu thích đủ chưa?

Không phải ai cũng học được Master. Đó là sự thật. Nếu năng lực của bản thân chưa đủ, độ sâu kinh nghiệm làm việc chưa có, và lớn hơn là chưa thích, thì bạn chưa phù hợp đâu.

Làm sao để biết mình có đủ “trình” & “tình”? Bạn có thể tham khảo một số chỉ thị sau:

  • Đi làm chuyên nghiệp về một lĩnh vực ít nhất 1-2 năm trở lên
  • Bạn bắt đầu không thoả mãn với kiến thức đang có, muốn biết sâu thêm mà sách vở, kinh nghiệm không cung cấp được
  • Bạn bắt đầu thấy môi trường xung quanh không còn gì/còn rất ít cái để học hỏi (dựa vào đánh giá khách quan, chứ không hề kiêu ngạo nhé!)
  • Các kiến thức chuyên sâu bắt đầu thu hút bạn, bạn muốn gặp được thật nhiều chuyên gia trong lĩnh vực để học hỏi, tham khảo họ

+ Mình có đủ tiền học không?

Dù muốn dù thích, nhưng nếu không có tiền thì không học Master được.

Mỗi ngành học có một mức học phí khác nhau. Nên bạn bắt buộc phải tìm hiểu xem học phí mình cần chi ra cao nhất là bao nhiêu, thấp nhất là bao nhiêu. Điều này rất dễ, cứ alo hỏi thẳng các trường bạn muốn học, người ta sẽ trả lời. Biết học phí rồi thì mới có kế hoạch tài chính cho đi học được. Đặc biệt một số ngành có học phí cực cao, các bạn phải tính đến chuyện đi vay đấy, không đùa đâu.

Lời khuyên:

Hãy tính học phí CHƯA KÈM học bổng, đừng lệ thuộc vào nó. Nếu bạn có điều kiện, hãy nhường học bổng cho người cần, không cần giành chi, mất công.

Hầu như các trường chỉ list học phí gốc, còn tiền tài liệu, giáo trình,… là phải tự chi. Đừng coi thường, số tiền này sẽ rất “chát” nếu bạn học nước ngoài. Còn ở VN thì khoẻ hơn, photocopy thẳng tiến

Nếu một trường để học phí quá mắc, hãy tìm trường khác để có thêm option. Sẽ luôn có trường rẻ hơn với chất lượng tương đương. Nhưng đừng chọn quá rẻ, hớ đấy.

Xem thêm >>> Lộ Trình Học IELTS Listening Cho Học Sinh Lớp 12

+ Mình có đủ điều kiện nhập học chưa?

Mỗi trường, mỗi ngành sẽ có một yêu cầu đầu vào khác nhau. Hãy tìm hiểu cho kỹ để xem mình có đáp ứng đầu vào hay chưa. Đặc biệt là tiếng Anh đã đủ giỏi chưa.

Một số yêu cầu thường thấy của các trường:

  • Tốt nghiệp đại học loại khá trở lên, điểm trung bình 6/10 là được (có hoặc không liên quan chuyên ngành). Trừ bác sĩ, y sĩ,… còn lại về giáo dục, kinh tế,… thì ai cũng được học, miễn là có kinh nghiệm. Ở VN bắt phải đúng ngành mới cho học, không lo, Anh, Mỹ thoải mái.
  • Có kinh nghiệm làm việc (6 tháng – 1 năm trở lên)
  • Tiếng Anh tương đương IELTS 6.5+

Lời khuyên:

Đừng cứ tối ngày so mình với các trường cao cấp như Harvard, MIT,… chỗ đó chỉ dành cho những người rất giỏi + rất giàu. Hãy tìm các trường tầm trung, yêu cầu dễ thở hơn rất nhiều. 

VD trường của Mr. Bách là Concordia University, đứng thứ 64 USA và thứ 6 của bang Nebraska về mảng giáo dục, yêu cầu IELTS 6.5+, GPA 2.5 (cỡ 7/10) và tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm đi làm là được. Không quá khó đúng không nào?

+ Mình có thời gian học không?

Nếu công việc, gia đình hoặc chuyện cá nhân đang lấp kín thời gian, thì sẽ rất khó học Master hiệu quả.

Hãy đảm bảo bạn có thời gian học, ít nhất là bằng thời gian làm thêm một việc part-time.

Đừng nhìn những người đang tung hứng hai ba việc mà vẫn đi học và nghĩ là bạn làm được. Chỉ có một số rất ít “kham” nổi, và ngay cả vậy, họ đang hi sinh sức khoẻ của mình đấy.

Cho nên, hãy đảm bảo là bạn có thời gian cho việc học tập, nghiên cứu nghiêm túc. Ngay cả giai đoạn apply học cũng có thể mất từ nửa năm trở lên đấy.

+ Mình đã có đủ quyết tâm theo đuổi chưa? Hiện có những chướng ngại nào? Mình có dám đánh đổi không?

Câu hỏi này có lẽ là quan trọng nhất, và là cái cản trở rất nhiều người đi đến quyết định “học hay không”. Bản thân Mr. Bách cũng phải lăn lộn với điều này rất nhiều năm, trì hoãn, thoái thác mãi mới đủ dũng cảm đưa ra quyết định.

Học Master là một sự đầu tư lâu dài, một hành trình “tu luyện” đòi hỏi công sức, quyết tâm, cam kết. Nên câu hỏi lớn đặt ra là: chúng ta có dám đánh đổi để theo đuổi nó không?

Bận quá thì sao? Bạn phải chấp nhận hi sinh một khoảng thời gian nào đó để học. Giảm việc, giảm ngủ, giảm đi chơi, giảm yêu đương hay không học? Bạn chọn.

Nếu vướng gia đình, bạn có dám nhờ giúp đỡ, nhìn cha mẹ, vợ chồng gồng gánh để mình đi học? Bạn chọn.

Không đủ tiền, bạn có dám đi vay, đi kinh doanh, hoặc tiết kiệm ăn xài lại, rút tài khoản đi học? Bạn chọn.

Công việc nhiều quá, bạn có dám từ chối bớt, lui về làm ít việc, bỏ qua cơ hội thăng tiến trước mắt, hoặc chuyển việc khác, đi đường dài? Bạn chọn.

Cảm thấy thời điểm này chưa phù hợp? Bằng cấp chỉ là ảo? Mình không đủ sức học? Hãy nhìn sâu, chất vấn bản thân mình rằng đó là thật vậy, hay bản thân đang tự đưa ra lý do để tránh bước khỏi vùng an toàn.

Hãy dành thời gian, suy nghĩ thật kỹ, trò chuyện với bản thân thật sâu để có câu trả lời nhé.

Tất cả là do bạn CHỌN!

Xem thêm: Lộ trình học ielts từ 0 đến 6.5

3 – Chuẩn bị

Nếu câu trả lời của bạn sau một thời gian suy nghĩ là “NO! Mình chưa/không muốn học lên lúc này”, thì không sao cả, hãy tiếp tục với công việc cũng như dự án cá nhân của mình.

Nếu câu trả lời là “YES! Mình sẽ học lên”, thì hãy bắt đầu chuẩn bị như sau:

– Tiền

– Chọn trường

– Thời gian muốn học & sắp xếp công việc

Hẹn gặp các bạn ở bài viết sau, chúng ta sẽ cùng khám phá cách chọn trường cho phù hợp với mình nhé.

Khóa học IELTS 4 Kỹ Năng
khoa-luyen-viet-chuyen-sau
Khóa học Writing Masterclass
khoa-hoc-luyen-noi-chuyen-sau-IELTS-Power-Up
Khóa học Speaking Masterclass

Bạn gặp KHÓ KHĂN trong khi TỰ HỌC?
Bạn TRẦY TRẬT với 2 kỹ năng khó nhằn là WRITING & SPEAKING?

Các khóa học IELTS 4 Kỹ Năng, Writing Masterclass, Speaking Masterclass sẽ giải quyết mọi vấn đề của bạn!